star star star star star

DDoS là gì? Cách thức hoạt động và ảnh hưởng của tấn công DDoS

avt
TOS Editor
03 tháng 5, 2024  

DDoS là gì? DDoS tiềm ẩn nguy cơ gây hại như thế nào đối với các doanh nghiệp? Có cách nào để phòng tránh website bị tấn công bởi DDoS không? Thông qua bài viết dưới đây, TOS sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về tấn công DDoS, bao gồm khái niệm, cách thức hoạt động hoạt động, tác hại mà nó gây ra. 

Xem thêm: Chatbot là gì? Phân loại và liệt kê 14 Chatbot tốt nhất hiện nay

Tấn công DDoS là gì? Khác gì với cuộc tấn công DoS

Tấn công DDoS (viết tắt của Distributed Denial of Service) là hành vi cố ý gây gián đoạn, tê liệt nghiêm trọng hoạt động bình thường của mạng hoặc máy chủ bằng cách gửi một lượng lớn yêu cầu truy cập giả mạo từ nhiều nguồn khác nhau. Kẻ tấn công thường lợi dụng các máy tính bị xâm nhập (bot) để tạo thành một mạng lưới botnet, sau đó điều khiển mạng lưới này để gửi đồng loạt các yêu cầu giả mạo đến hệ thống mục tiêu.

Tấn công DoS (viết tắt của Denial-of-Service) cũng là một dạng tấn công mạng nhằm làm tê liệt hoạt động của một hệ thống máy tính hoặc mạng bằng cách khiến nó quá tải với lượng truy cập giả mạo. Hacker thường sử dụng một nguồn duy nhất (ví dụ: máy tính bị xâm nhập) gửi một loạt yêu cầu giả mạo đến hệ thống mục tiêu. Khi đó, hệ thống này nhận được lượng yêu cầu bất thường vượt quá khả năng của nó, dẫn đến hoạt động chậm lại, khiến nó cạn kiệt tài nguyên (CPU, RAM, băng thông) và cuối cùng là ngưng hoạt động hoàn toàn. 

Khác với tấn công DoS chỉ sử dụng một nguồn tấn công, DDoS sử dụng nhiều máy tính, thậm chí là hàng nghìn máy bị lây nhiễm (botnet) được điều khiển từ xa, nhiều vị trí khác nhau để thực hiện cuộc tấn công. Điều này giúp chúng che giấu danh tính của thủ phạm và khiến việc xác định và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. 

Theo báo cáo phân tích mối đe dọa toàn cầu năm 2024 của Radware, tình hình tấn công DDoS đang trở nên ngày càng nghiêm trọng với sự gia tăng về cả quy mô và tính chất của các cuộc tấn công. Vào năm 2023, số vụ tấn công DDoS trên mỗi khách hàng đã tăng 94% so với năm 2022. Trung bình mỗi khách hàng phải chống lại 106 cuộc tấn công mỗi tháng, tương đương 3,48 cuộc tấn công mỗi ngày kể từ quý 1 năm 2021. Riêng quý 1 năm 2023, mỗi ngày một khách hàng Radware điển hình phải chống lại khoảng 49 cuộc tấn công. 

tấn công DDoS là gì?
Tấn công DDoS là gì ? (Nguồn: TOS)

Xem thêm: API Gateway là gì? 6 lợi ích của API Gateway đối với một hệ thống microservice

Lý do website bị DDoS là gì?

Tấn công DDoS có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho website, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín thương hiệu. Vậy, đâu là những lý do khiến kẻ tấn công thực hiện hành vi này?

Tấn công DDoS từ đối thủ cạnh tranh

Trong môi trường kinh doanh trực tiếp ngày nay, việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng những biện pháp cực đoan để triệt hạ đối thủ, bao gồm cả tấn công DDoS. 

Chẳng hạn, họ có thể thuê ai đó thực hiện cuộc tấn công DDoS trên trang web của đối thủ, gây ra sự gián đoạn không chỉ với trang web mà còn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối thủ cạnh tranh thực hiện tấn công DDoS là vì lý do gì? Trong thời gian website bị tấn công DDoS không thể truy cập được, khách hàng sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế và đây là cơ hội cho đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, rất khó để chứng minh ai đã thực hiện bất kỳ cuộc tấn công DDoS nào. 

Việc thực hiện tấn công DDoS nhằm vào đối thủ cạnh tranh là bất hợp pháp và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thay vì tập trung truy tìm thủ phạm, doanh nghiệp nên ưu tiên bảo vệ website khỏi những cuộc tấn DDoS.

Nội dung website

Nội dung website có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công DDoS bởi nhiều lý do. Ví dụ, trang web đăng tải nội dung về các chủ đề nhạy cảm như tôn giáo, giới tính,… có thể bị tấn công bởi những người không đồng tình với quan điểm được trình bày trên website. Mục đích của họ là khiến website ngừng hoạt động và ngăn chặn việc tiếp cận thông tin. 

Khi một trang web bị tấn công DDoS thành công, nội dung của nó có thể bị ngừng lưu hành, gây ra sự cố cho người dùng truy cập trang web để tìm thông tin hoặc hướng dẫn. Đồng thời, việc giải quyết vấn đề này cũng tốn kém khá nhiều thời gian và tiền bạc, khiến cho doanh thu mà trang web có thể kiếm được từ các hoạt động trực tuyến như doanh số bán hàng hoặc quyên góp có thể bị giảm. Ngoài ra, thứ hạng của trang web cũng có thể bị ảnh hưởng nếu trang web liên tục trả về lỗi 502 trong thời gian dài.

Động cơ chính trị 

Cuộc tấn công DDoS có động cơ chính trị đang trở nên phổ biến hơn khi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng được sử dụng để can thiệp vào quá trình chính trị.

Nếu trang web liên quan đến một đảng phái chính trị, ứng cử viên, tổ chức chính trị hoặc ủng hộ một mục tiêu chính trị cụ thể, có khả năng cao trang web sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công từ những người không đồng ý với quan điểm chính trị này.

lý do website bị DDoS là gì
Lý do website bị DDoS là gì?

Xem thêm: Security Headers là gì? 5 HTTP Security Headers tốt cho SEO

Một số nguyên nhân khiến website dễ bị tấn công DDoS

Trang web có thể dễ bị tấn công DDoS do một số yếu tố nhất định, tạo điều kiện cho kẻ tấn công tìm cách tận dụng và gây ra hậu quả không mong muốn. 

Sử dụng dịch vụ lưu trữ không uy tín, giá rẻ

Thủ phạm đầu tiên khi đề cập đến lỗ hổng bảo mật trước các cuộc tấn công DDoS, cũng như tất cả các loại tấn công mạng, là dịch vụ lưu trữ giá rẻ. 

Để có thể cung cấp dịch vụ lưu trữ giá rẻ như vậy, nhà cung cấp thường phải chia sẻ tài nguyên máy chủ giữa nhiều khách hàng, nghĩa là nếu một trong các trang web trên máy chủ bị tấn công thì các trang web còn lại cũng có nguy cơ bị tấn công. 

Thêm vào đó, các nhà cung cấp này thường không cung cấp các biện pháp phòng ngừa bảo mật đủ mạnh để chống lại các cuộc tấn công DDoS. Họ sẽ không cảnh báo khi có cuộc tấn công xảy ra và không hỗ trợ khôi phục trang web khi nó ngừng hoạt động. 

Điều này không phải vì các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ giá rẻ đang cố tình lừa đảo bạn hay họ không cung cấp các dịch vụ như đã hứa, mà đơn giản là vì để làm cho dịch vụ lưu trữ của họ rẻ, họ phải tiết kiệm chi phí hỗ trợ. Nếu không, họ sẽ không kiếm được lợi nhuận. 

Thiếu sự chuẩn bị trước

Thiếu sự chuẩn bị có thể làm tăng nguy cơ và tổn thất khi trang web bị tấn công DDoS. Mặc dù không thể ngăn chặn cuộc tấn công hoàn toàn, nhưng việc chuẩn bị trước sẽ giúp doanh nghiệp/cá nhân giảm thiểu nguy cơ dễ dàng bị tấn công DDoS.

Đầu tiên, triển khai các biện pháp phòng ngừa bảo mật sẽ giúp doanh nghiệp/cá nhân cải thiện khả năng hoạt động liên tục cho trang web, thậm chí khi một cuộc tấn công tiềm ẩn diễn ra.

Nắm vững cách ngăn chặn một cuộc tấn công DDoS cũng rất quan trọng. Nếu trang web bị tấn công và ngừng hoạt động, việc đã chuẩn bị trước sẽ giúp khôi phục và chạy lại trang web nhanh hơn nhiều so với khi bạn không chuẩn bị. 

Mã code không an toàn hoặc lỗi thời 

Một nguyên nhân phổ biến khác khiến website dễ bị tấn công DDoS là sử dụng code không an toàn hoặc các phiên bản phần mềm lỗi thời. Ví dụ, nếu website không cập nhật phiên bản WordPress, các theme hoặc plugin có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tin tặc tận dụng các lỗ hổng bảo mật để tiến hành cuộc tấn công.

Mã code không an toàn hoặc lỗi thời là một nguyên nhân khiến website dễ bị tấn công DDoS
(Nguồn: TOS)

Xem thêm: Disavow Link là gì? Cách Disavow Link gỡ phạt thuật toán Google

Cách tấn công DDoS hoạt động

Các cuộc tấn công DDoS được thực hiện với mạng lưới các máy tính có kết nối Internet, bao gồm máy tính và các thiết bị khác đã nhiễm các phần mềm độc hại (như thiết bị IoT – Internet of Things), cho phép những kẻ tấn công điều khiển từ xa. Những thiết bị này gọi là bot (hoặc zombie) và botnet (một nhóm bot).

Kẻ tấn công có thể thực hiện chỉ đạo cuộc tấn công bằng cách gửi hướng dẫn từ xa đến từng bot khi mạng botnet được thiết lập.

Khi máy chủ hoặc mạng bị botnet để ý, mỗi bot sẽ gửi đến địa chỉ IP của mục tiêu một yêu cầu. Điều này có khả năng khiến máy chủ hoặc mạng bị quá tải, dẫn đến việc từ chối dịch vụ đối với lưu lượng truy cập thông thường (bị gián đoạn trong suốt một khoảng thời gian).

Khi bị tấn công, tin tặc có thể đột nhập vào cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp/cá nhân và truy cập vào thông tin nhạy cảm. Cuộc tấn công DDoS có thể khai thác các lỗ hổng bảo mật và nhắm mục tiêu tới bất kỳ điểm cuối nào có thể tiếp cận thông qua Internet.

Cuộc tấn công mạng theo kiểu này có thể gây ra nhiều gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thiết bị cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Xem thêm: Growth Hacking là gì? Bước đơn giản để tăng trưởng mạnh

Các loại tấn công DDoS chính

Để hiểu rõ các loại tấn công DDoS là gì và cách chúng tác động đến kết nối mạng, chúng ta cần tìm hiểu về cấu trúc của mạng thông qua mô hình OSI. Mô hình OSI (Open Systems Interconnection) là một khung làm việc phổ biến được sử dụng để mô tả quá trình truyền tải dữ liệu qua mạng. Mô hình này chia quá trình truyền tải thành 7 lớp khác nhau, mỗi lớp đều có một chức năng cụ thể và tương tác với các lớp khác để đảm bảo sự truyền tải hiệu quả của dữ liệu.

Tương tự như việc xây dựng một ngôi nhà, mỗi lớp trong mô hình OSI đóng vai trò quan trọng như cột trụ, tạo nên nền móng cho việc truyền dẫn thông tin qua mạng.

mô hình osi
Mô hình OSI (Open Systems Interconnection) (Nguồn: TOS)

Cùng với sự hiểu biết về cấu trúc mạng, chúng ta sẽ khám phá ba loại tấn công DDoS chính dưới đây: 

Tấn công băng thông

Mục tiêu của loại tấn công này là tạo ra tình trạng tắc nghẽn bằng cách tiêu thụ toàn bộ băng thông có sẵn giữa mục tiêu và mạng Internet. Điều này có nghĩa là kẻ tấn công gửi một lượng lớn dữ liệu đến mục tiêu bằng cách sử dụng các kỹ thuật khuếch đại hoặc các phương pháp khác, như sử dụng mạng botnet, khiến nó quá tải và không thể hoạt động bình thường.

Ví dụ cuộc tấn công DDoS khuếch đại: 

tấn công khuếch đại DNS
Cuộc tấn công DDoS khuếch đại DNS (Nguồn: TOS)

Khuếch đại DNS

Cách thức hoạt động của cuộc tấn công khuếch đại DNS bắt đầu từ việc kẻ tấn công tìm kiếm các máy chủ DNS công khai cho truy cập truy vấn từ bất kỳ ai. Những máy chủ này này thường miễn phí và dễ dàng truy cập được.

Sau đó, kẻ tấn công gửi một yêu cầu DNS đến máy chủ DNS công khai, yêu cầu truy vấn thông tin về một tên miền có địa chỉ IP là địa chỉ IP của “nạn nhân”. Khi đó, máy chủ công khai không hề nghi ngờ, sẽ thực hiện truy vấn DNS và gửi lại phản hồi. Phản hồi này thường chứa một lượng lớn dữ liệu, chẳng hạn như thông tin về nhiều tên miền con hoặc bản ghi khác. 

Điều này làm cho “nạn nhân” nhận được một lượng lớn dữ liệu phản hồi từ máy chủ DNS, dẫn đến quá tải băng thông và khiến website hoặc dịch vụ không thể hoạt động bình thường. 

Tấn công giao thức

Tấn công giao thức là một dạng tấn công mạng nhằm vào lỗi hoặc điểm yếu trong giao thức mạng. Tấn công giao thức thường diễn ra ở lớp 3 và lớp 4 của mô hình OSI. Các cuộc tấn công này, còn được gọi là tấn công cạn kiệt trạng thái, gây ra sự gián đoạn dịch vụ do tiêu tốn quá nhiều tài nguyên máy chủ hoặc tài nguyên của thiết bị như tường lửa và bộ cân bằng tải. Mục tiêu của kẻ tấn công là khai thác điểm yếu ở lớp 3 và lớp 4 của ngăn xếp giao thức để gây ra gián đoạn dịch vụ, chiếm quyền điều khiển máy chủ hoặc đánh cắp dữ liệu. 

Ví dụ SYN Flood

Hãy tưởng tượng nếu bạn đang làm việc tại một quầy thu ngân trong một cửa hàng bận rộn. Mọi người đang xếp hàng dài để thanh toán. Nếu như quá trình thanh toán bình thường sẽ diễn ra là khách hàng đặt hàng, đến quầy thu ngân, bạn tính tiền cho khách hàng và đưa hóa đơn, sau đó khách hàng thanh toán, nhận hàng và cuối cùng bạn hoàn tất giao dịch và đến khách hàng tiếp theo. 

Loại tấn công SYN Flood giống như một nhóm khách hàng cố ý gây rối. Một nhóm lớn khách hàng đột nhiên ùa vào cửa hàng và xếp hàng dài tại quầy thu ngân. Mỗi người trong nhóm này đặt hàng và yêu cầu bạn tính tiền cho họ, nhưng họ không thanh toán hoặc lấy hàng. Bạn buộc phải ghi chép thông tin của từng người và chuẩn bị hóa đơn, mặc dù họ không có ý định mua hàng. Đến lúc này, quầy thu ngân của bạn nhanh chóng bị quá tải vì phải xử lý quá nhiều yêu cầu giả mạo, khiến bạn không thể phục vụ những khách hàng thực sự, khi đó cửa hàng thiệt hại về doanh thu. 

tấn công DDoS SYN Flood
Cuộc tấn công DDoS SYN Flood (Nguồn: TOS)

Tương tự như vậy, tấn công SYN Flood khiến máy chủ bị quá tải bằng cách gửi một lượng lớn yêu cầu kết nối giả mạo. Kẻ tấn công gửi hàng loạt gói tin SYN đến máy chủ, yêu cầu thiết lập kết nối mới. 

Sau đó, máy chủ phản hồi mỗi yêu cầu bằng gói tin SYN-ACK, nhưng kẻ tấn công không bao giờ gửi gói tin ACK để hoàn tất quá trình bắt tay TCP. Do đó, máy chủ phải lưu trữ thông tin cho tất cả các kết nối dang dở, dẫn đến việc sử dụng hết tài nguyên CPU và bộ nhớ. Điều này dẫn đến máy chủ không thể chấp nhận các kết nối hợp pháp mới từ những người dùng thực sự, khiến cho hoạt động website bị gián đoạn.

Xem thêm: Blockchain là gì? Công nghệ này ảnh hưởng thế nào đến đời sống 2024

Tấn công lớp ứng dụng (hoặc tài nguyên)

Các cuộc tấn công DDoS ở lớp ứng dụng, đôi khi còn được gọi là tấn công DDoS lớp 7 đặc biệt nhắm vào lớp ứng dụng (liên quan đến lớp thứ 7 của mô hình OSI) của các dịch vụ nối mạng. Không giống như các cuộc tấn công mạng truyền thống sử dụng một lượng dữ liệu lớn làm quá tải mạng, cuộc tấn công này khai thác lỗ hổng trong các giao thức ứng dụng như HTTP, HTTPS, SMTP, FTP và VOIP. Mục tiêu của cuộc tấn công này là làm cạn kiệt tài nguyên của ứng dụng được nhắm đến, khiến ứng dụng không thể truy cập được hoặc không phản hồi với người dùng hợp pháp để tạo ra tình trạng từ chối dịch vụ.

Ví dụ Lũ HTTP

Lớp 7 (lớp ứng dụng) trong mô hình OSI là lớp cao nhất, nơi các ứng dụng web và dịch vụ trực tuyến hoạt động. Khi bạn truy cập một trang web, trình duyệt của bạn sẽ gửi yêu cầu HTTP đến máy chủ web… Máy chủ web sau đó xử lý yêu cầu, tạo trang web và gửi phản hồi HTTP lại cho trình duyệt của bạn.

Cuộc tấn công này tương tự như việc nhấp làm mới nhiều lần trong trình duyệt web trên nhiều máy tính khác nhau cùng một lúc. Kẻ tấn công sử dụng nhiều máy tính bị nhiễm độc (bot) tạo thành botnet để gửi liên tục một lượng lớn yêu cầu HTTP GET hoặc index.php đến website của nạn nhân. Mỗi yêu cầu HTTP dù đơn giản cũng cần máy chủ web xử lý, tốn tài nguyên CPU, RAM và băng thông. Lượng truy cập khổng lồ này khiến máy chủ web quá tải, dẫn đến việc website bị sập hoặc hoạt động chậm chạp.

tấn công DDoS lũ HTTP là gì
Cuộc tấn công DDoS lũ HTTP (Nguồn: TOS)

Xem thêm: Web 3.0 là gì? Các tính năng chính của Web 3.0

Tấn công DDoS sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Liệu nếu cuộc tấn công mạng là DDoS thì chúng ảnh hưởng gì đến website doanh nghiệp? Các cuộc tấn công DDoS không chỉ là mối đe dọa đối với các tập đoàn lớn mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề. Khi một cuộc tấn công DDoS thành công xảy ra, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng, bao gồm:

Gián đoạn hoạt động từ tấn công DDoS là gì

Khi một cuộc tấn công DDoS xảy ra, các hệ thống quan trọng của doanh nghiệp có thể bị tê liệt hoàn toàn, làm suy giảm khả năng hoạt động và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuộc tấn công DDoS có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể trong hoạt động của một tổ chức. Điều này có thể khiến tổ chức không thể thực hiện các hoạt động cốt lõi, như xử lý đơn đặt hàng, quản lý dữ liệu hoặc cung cấp dịch vụ khách hàng. Không chỉ vậy, mà còn có thể làm giảm khả năng truy cập dịch vụ của khách hàng, khiến họ không thể kết nối hoặc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức.

Tổn thất tài chính 

Việc gián đoạn hoạt động không chỉ gây ra những thiệt hại đáng kể về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Tổn thất tài chính bao gồm mất mát do giảm năng suất và thời gian ngừng hoạt động, cũng như các chi phí phòng chống và khôi phục sau tấn công. Khi một cuộc tấn công DDoS làm gián đoạn các dịch vụ trực tuyến của tổ chức, khách hàng tiềm năng không thể hoàn tất giao dịch, dẫn đến tổn thất doanh thu đáng kể.

Theo báo cáo năm 2023 của Radware, gần một phần ba (31%) các tổ chức phải đối mặt với các cuộc tấn công DDoS hàng tuần. Thời gian ngừng hoạt động do một cuộc tấn công DDoS ứng dụng thành công khiến các tổ chức tốn trung bình 6.130 USD mỗi phút . Điều này có nghĩa là ngay cả một cuộc tấn công DDoS trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể. Chẳng hạn, nếu một cuộc tấn công kéo dài trong một giờ, chi phí có thể tăng lên hơn 367.800 USD.

tổn thất tài chính
Tấn công DDoS gây tổn thất tài chính nghiêm trọng (Nguồn: TOS)

Thiệt hại về danh tiếng

Tấn công DDoS không chỉ gây ra sự gián đoạn tạm thời cho hoạt động kinh doanh của một tổ chức, mà còn tạo ra những hậu quả dai dẳng và khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của khách hàng và uy tín của thương hiệu.

Khi khách hàng không thể truy cập dịch vụ hoặc thông tin cần thiết do tấn công DDoS, họ sẽ cảm thấy thất vọng và bực bội. Hơn nữa, một cuộc tấn công DDoS có thể khiến khách hàng lo lắng về khả năng bảo vệ dữ liệu của họ bởi tổ chức hay doanh nghiệp. Điều này có thể khiến họ mất niềm tin vào tổ chức và tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ khác đáng tin cậy hơn.

Một khi một tổ chức mất đi lòng tin của khách hàng, việc phục hồi lòng tin này có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, việc bảo vệ dữ liệu khách hàng và duy trì các dịch vụ đáng tin cậy trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi tổ chức, tránh xa khỏi nguy cơ của các cuộc tấn công DDoS.

Xem thêm: Navigation là gì? 8 Mẹo xây dựng Web Navigation đơn giản nhất

Dấu hiệu nhận biết khi bị tấn công DDoS là gì?

Không phải tất cả mọi gián đoạn là kết quả của một cuộc tấn công DDoS. Có thể đó là do sự cố mạng, hỏng hóc phần cứng, lỗi phần mềm hoặc có thể là người quản trị mạng đang thực hiện dẫn bảo trì định kỳ, dẫn đến việc tạm thời gián đoạn. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sau đây có thể giúp bạn nhận diện được một cuộc tấn công DDoS đang xảy ra:

  • Hiệu suất mạng chậm bất thường: Tình trạng chậm xảy ra bất ngờ và ảnh hưởng đến nhiều người dùng hoặc dịch vụ. 
  • Không có sẵn một dịch vụ hoặc trang web cụ thể: Chỉ một trang web hoặc dịch vụ cụ thể không thể truy cập được, trong khi các trang web khác hoạt động bình thường.
  • Không thể truy cập bất kỳ trang web nào: Tất cả các trang web đều không thể truy cập được, cho thấy toàn bộ mạng hoặc hệ thống bị ảnh hưởng. 
  • Địa chỉ IP tạo ra số lượng lớn yêu cầu bất thường trong khoảng thời gian giới hạn.
  • Máy chủ liên tục phản hồi với lỗi 503 “Service Unavailable” (dịch vụ không sẳn sàng) hoặc các lỗi khác do quá tải.
  • Phân tích nhật ký cho thấy lưu lượng truy cập tăng đột biến, có thể do bonet hoặc các công cụ tấn công tạo ra.
  • Số lượng email rác nhận tăng đột ngột, có thể là dấu hiệu của cuộc tấn công khuếch đại email.
  • Các kiểu lưu lượng truy cập kỳ lạ như tăng đột biến vào các giờ lẻ trong ngày hoặc các kiểu lưu lượng truy cập có vẻ bất thường.
dấu hiệu nhận biết bị tấn công DDoS là gì
Lỗi 503 “Service Unavailable” có thể là dấu hiệu báo website bị tấn công DDos (Nguồn: TOS)

Xem thêm: Cloudflare là gì? Tại sao nên dùng Cloudflare cho website?

Cách giải quyết khi bị tấn công DDoS là gì

Khi nghi ngờ hệ thống đang bị tấn công DDoS, việc xác định chính xác loại tấn công và nguồn gốc tấn công có thể gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong trường hợp này, nhanh chóng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia là vô cùng quan trọng để giúp giải quyết tình hình và giảm thiểu thiệt hại. 

  • Liên hệ với người quản trị mạng: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc truy cập vào các tệp của mình hoặc các trang web từ máy tính của bạn, hãy thông báo ngay cho người quản trị mạng. Tình hình này có thể là dấu hiệu cho thấy máy tính hoặc mạng công ty đang gặp vấn đề tấn công DDoS.
  • Xem xét liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP): Nếu bạn có kiến thức về máy tính, có thể cân nhắc việc liên hệ với ISP. Họ có thể cung cấp công cụ hỗ trợ và tư vấn để giải quyết vấn đề và đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ hệ thống. Khi đó, ISP có thể kích hoạt dịch vụ chống DDoS nếu doanh nghiệp/cá nhân đã đăng ký hoặc xác định và chặn các địa chỉ IP hoặc dải IP tạo ra lưu lượng truy cập độc hại bằng tường lửa để giải quyết cuộc tấn công này. 

Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia sẽ giúp nhanh chóng xác định và ứng phó với các cuộc tấn công DDoS một cách hiệu quả và kịp thời.

Xem thêm: Ngôn ngữ lập trình là gì? Top 10 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất 2023

Cách phòng chống cuộc tấn công DDoS

Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn chặn tấn công DoS và DDoS, doanh nghiệp/cá nhân có thể giảm thiểu nguy cơ trở thành mục tiêu hoặc công cụ tấn công bằng cách thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Cài đặt và duy trì phần mềm diệt virus: Cài đặt một phần mềm diệt virus hiệu quả giúp ngăn chặn các máy tính từ việc trở thành thành viên của các botnet.
  • Chặn IP độc hại: Nếu bạn có thể xác định địa chỉ IP của các máy tính thực hiện tấn công, bạn có thể tạo một ACL trong tường lửa để chặn các IP này. Thậm chí, có thể chặn hoàn toàn IP từ một quốc gia nếu cần thiết.
  • Giám sát lưu lượng truy cập: Theo dõi lưu lượng truy cập thường xuyên, giúp phát hiện các vụ tấn công DDoS nhỏ trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
  • Tăng băng thông và sử dụng cân bằng tải: Mua thêm băng thông và triển khai nhiều máy chủ hơn, kèm theo việc sử dụng các giải pháp cân bằng tải, giúp phân phối lưu lượng truy cập một cách hiệu quả.
  • Tối ưu hóa webserver: Tối ưu hóa web server để có thể chịu đựng được một lượng lớn người truy cập hơn.
  • Thiết lập tính năng chống mạo danh IP: Cấu hình  Firewall (tường lửa) để chặn các gói tin có địa chỉ IP giả mạo, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công từ các nguồn không xác định.
  • Sử dụng dịch vụ chống DDoS hoặc tư vấn chuyên gia: Thuê một dịch vụ chống DDoS hoặc tư vấn từ các chuyên gia có thể giúp bảo vệ trang web của bạn một cách hiệu quả.
  • Chặn ICMP của router: ICMP có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công DDoS. Chặn ICMP tại router có thể giúp giảm nguy cơ từ các cuộc tấn công này.
  • Áp dụng các biện pháp bảo mật cho địa chỉ Email: Sử dụng bộ lọc thư điện tử và các biện pháp bảo mật khác để quản lý lưu lượng truy cập không mong muốn đến địa chỉ email của bạn.

Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị tấn công DDoS và bảo vệ website của mình một cách hiệu quả.

phần mềm chống virus
Cài đặt và duy trì phần mềm diệt virus (Nguồn: TOS)

Xem thêm: HTTP/2 là gì? Tác động của nó đến SEO như thế nào? | TopOnSeek

Cuộc tấn công DDoS tồn tại trong bao lâu?

Vậy liệu cuộc tấn công DDoS sẽ tồn tại trong bao lâu? Không có một đáp án chính xác nào cho câu hỏi này. 

Bởi, một cuộc tấn công DDoS có thể tồn tại trong bốn giờ, trong khi một cuộc khác có thể tồn tại trong một tuần, nhưng cũng có thể kéo dài thậm chí đến hàng tháng. Các cuộc tấn công DDoS có thể xảy ra một lần duy nhất hoặc lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian. Điều này có thể tùy thuộc vào mục tiêu của kẻ tấn công và mức độ tác động mà họ muốn gây ra.

Vào tháng 4 năm 2022, một cuộc tấn công DDoS nhắm vào trang web của chính phủ Úc đã kéo dài khoảng 4 giờ, khiến trang web không thể truy cập trong thời gian ngắn.

Một trường hợp khác, vào năm 2017, một cuộc tấn công kỷ lục được ghi nhận vào Google đã kéo dài đến tận 6 tháng. Trong cuộc tấn công này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Trung Quốc đã tận dụng hàng nghìn địa chỉ IP để thực hiện cuộc tấn công khuếch đại UDP vào Google. Đỉnh điểm của cuộc tấn công đạt tới 2,5 Tbps, với sự kết hợp của hàng trăm nghìn máy chủ CLDAP, DNS và SMTP để tạo ra lượng lớn gói tin và gửi phản hồi đến hệ thống của Google. Điều này là minh chứng cho sự khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý các cuộc tấn công DDoS, cũng như khả năng của kẻ tấn công để duy trì và tiếp tục cuộc tấn công trong thời gian dài.

Xem thêm: OOP (lập trình hướng đối tượng) là gì? 4 đặc tính cơ bản của OOP

Phân biệt lưu lượng tấn công và lưu lượng thông thường

Lưu lượng truy cập thông thường lớn và lưu lượng từ cuộc tấn công DDoS độc hại đều có thể dẫn đến sự gia tăng đột ngột lưu lượng truy cập đến trang web hoặc mạng. Tuy nhiên, có một số cách để phân biệt hai loại này. 

Đối với lưu lượng truy cập hợp pháp có xu hướng theo mô hình dự đoán được, với biến động tự nhiên theo thời gian (ngày, tuần, tháng), trong khi lưu lượng từ cuộc tấn công DDoS thì lại gây ra sự gia tăng một cách đột ngột đáng kể và chúng sẽ duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. 

Thêm vào đó, các cuộc tấn công DDoS sẽ xuất phát từ nhiều địa chỉ IP rải rác trên toàn cầu, thường là các thiết bị bị botnet xâm nhập, còn lưu lượng truy cập hợp pháp chỉ đến từ một số lượng hạn chế địa chỉ IP, phản ánh vị trí người dùng thực tế. 

Để có thể dễ dàng hơn trong việc phân biệt hai loại lưu lượng này, doanh nghiệp/ tổ chức có thể lọc lưu lượng truy cập dựa trên địa chỉ IP nguồn và điểm đến, và nó sẽ chặn những kết nối đáng ngờ. 

phân biệt lưu lượng tấn công DDoS với lưu lượng thông thường là gì
Sự khác nhau giữa lưu lượng thông thường và lưu lượng tấn công DDoS là gì? (Nguồn: TOS)

Xem thêm: Cách thiết kế web và lập trình đạt chuẩn UI/UX | TopOnSeek

Kết luận

Như vậy, qua bài viết trên TOS chắc hẳn đã giúp bạn có được câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi “tấn công DDoS là gì?” rồi phải không. Tấn công DDoS là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh mạng, có thể gây ra gián đoạn hoạt động, thiệt hại tài chính và tổn hại uy tín cho tổ chức. Bằng cách chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả, tổ chức có thể giảm thiểu nguy cơ và tác động tiêu cực của các cuộc tấn công DDoS, đảm bảo hoạt động an toàn và ổn định cho hệ thống mạng và dữ liệu của mình. Nếu bạn thắc mắc hay cần thêm thông tin gì đừng ngại ngần liên hệ chúng tôi nhé, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của bạn. 


TOS – PREMIUM SEO PERFORMANCE AGENCY

Công ty TNHH TOS (TopOnSeek) – Global Award-winning Agency luôn tự hào là một trong những công ty mang lại giải pháp SEO tổng thể, toàn diện hàng đầu tại Việt Nam. Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong ngành cùng với đội ngũ chuyên viên SEO dày dặn kinh nghiệm, TOS cam kết không chỉ cung cấp các dịch vụ như kiểm tra audit website, tăng trưởng lưu lượng truy cập tự nhiên bền vững mà còn tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi mang lại nguồn doanh thu ổn định cho khách hàng.

Công ty TNHH TOS (TopOnSeek) vinh hạnh khi được CLUTCH vinh danh với các danh hiệu:

  • Top 3 công ty SEO tại Việt Nam.
  • Top 1 công ty SEO cho Cơ Sở Giáo Dục tại Việt Nam.
  • Top 1 công ty SEO hàng đầu cho Công nghệ tài chính tại Việt Nam.
  • Top 1 công ty SEO cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

QUÝ DOANH NGHIỆP VUI LÒNG LIÊN HỆ ĐỂ HỢP TÁC: 

Hotline: 028 7302 2558

Email: long.bui@toponseek.com

Báo giá: Liên hệ

Địa chỉ: 

  • HCM: Lầu 4 Tòa nhà Nguyên Giáp, 42/37 Hoàng Diệu, Quận 4, TP.HCM, Việt Nam. 
  • Đà Nẵng: Lầu 6 DanaBook, 76-78 Bạch Đằng, Quận Hải Châu, Đà Nẵng, Việt Nam.

    stick_img
    Bạn muốn hiểu thêm?
    Xem chi tiết
    Bạn có tầm nhìn.
    Chúng tôi có đội ngũ để
    Giúp bạn đạt được tầm nhìn đó
    Chat