PDCA là gì? Chu trình PDCA trong quản lý chất lượng
PDCA là một thuật ngữ trong lĩnh vực quản lý chất lượng đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm kiểm soát quy trình và cải tiến chất lượng. Để hiểu về mô hình PDCA không khó, tuy nhiên để áp dụng chu trình này một cách hiệu quả cần phân tích và bám sát từng giai đoạn. Hãy cùng TopOnSeek tìm hiểu PDCA là gì và cách thức để vận dụng chu trình này một cách có hiệu quả trong bài viết sau đây.
PDCA là gì?
PDCA là một chu trình cải tiến quản lý được Tiến sĩ Deming giới thiệu cho người Nhật vào năm 1950. Đây là một chu trình thực hiện việc theo dõi, thay đổi công việc hoặc mục tiêu đề ra. Với hình ảnh là vòng tròn nằm trên một mặt phẳng nghiêng theo chiều kim đồng hồ, chu trình PDCA cho thấy quá trình quản lý chất lượng là sự cải tiến tuần tự và liên tục không ngừng.
Xem thêm: Target là gì? 7 khái niệm liên quan và cách target thị trường mục tiêu cho doanh nghiệp
PDCA là viết tắt của từ gì?
PDCA là viết tắt của từ Plan – Do – Check – Act đại diện cho 4 công việc cần phải thực hiện liên tục để việc quản lý đạt hiệu quả tối ưu. Cụ thể:
- Plan: Lập kế hoạch.
- Do: Đưa kế hoạch vào thực hiện.
- Check: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.
- Act: Dựa trên kết quả kiểm tra tiến hành điều chỉnh và cải tiến thích hợp.
Ví dụ về chu trình PDCA trong doanh nghiệp
Để hiểu rõ hơn khái niệm PDCA là gì hãy tham khảo ví dụ sau đây:
Plan | Tổ chức một chương trình đánh giá sự hài lòng của khách hàng. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần đảm bảo các vấn đề cơ bản sau:Vấn đề chính cần giải quyết là gì?Cần những nguồn lực nào?Có những nguồn lực nào? |
Do | Triển khai chương trình theo kế hoạch. |
Check | Đánh giá số lượng khách hàng tham gia, bao nhiêu khiếu nại được ghi nhận, bao nhiêu khiếu nại được xử lý và phản hồi của khách hàng sau khi chương trình kết thúc. |
Act | Đánh giá kết quả đạt được của chương trình và cải tiến những điểm còn thiếu sót của chương trình lần này vào các chương trình về sau. |
Ý nghĩa của mô hình PDCA trong doanh nghiệp
PDCA được xem là công cụ quản lý hiệu quả nhất hiện nay bởi những lợi mà chu trình này mang đến cho doanh nghiệp như:
- Là cơ sở giúp các quy trình cải tiến liên tục nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra.
- Theo dõi, kiểm soát hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.
- Khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi cách quản lý đạt hiệu quả hơn.
- Có thể áp dụng linh hoạt trong nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000,…
- Nâng cao hiệu suất lao động của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp.
- Duy trì hiệu lực cho hoạt động giám sát các quy trình hay dự án.
- Nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vòng tròn PDCA hoạt động như thế nào?
Sau khi đã hiểu PDCA là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu cách hoạt động của từng giai đoạn trong chu trình này. Các doanh nghiệp cần phải xác định công việc và nhiệm vụ của từng giai đoạn trong chu trình PDCA để tối ưu hóa kết quả đạt được.
Bước 1: Plan – Thiết lập kế hoạch
Khi lập kế hoạch cho bất kỳ công việc hay hoạt động nào thì doanh nghiệp cần xác định các yếu tố sau đây:
- Các vấn đề cần giải quyết hay phòng ngừa.
- Mục tiêu cụ thể của việc thiết lập kế hoạch.
- Những quy trình cần thực hiện để đạt được mục tiêu đặt ra.
- Những nguồn lực cần thiết để thực hiện kế hoạch.
Bước 2: Do – Thực hiện kế hoạch
Doanh nghiệp cần phổ biến kế hoạch đến các bộ phận có liên quan, sau đó dựa vào nội dung trong bản kế hoạch để triển khai các công việc vào trong thực tế. Đồng thời ghi lại những thông tin, dữ liệu thu thập được trong quá trình thực hiện. Đây là cơ sở để phục vụ cho hoạt động đánh giá kế hoạch trong tương lai.
Bước 3: Check – Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện
Doanh nghiệp nên tổ chức một cuộc kiểm tra để xác nhận tiến độ và kết quả thực hiện trong thực tế so với các chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch. Việc đánh giá nhằm mục đích phát hiện những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó tìm nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng để đưa ra các biện pháp khắc phục sao cho thích hợp.
Bước 4: Act – Hành động để cải tiến
Căn cứ vào các vấn đề nhận định từ hoạt động đánh giá, doanh nghiệp nên thiết lập biện pháp ngăn ngừa và cách khắc phục sao cho phù hợp. Sau đó, cập nhập lại thông tin vào kho dữ liệu để có căn cứ áp dụng vào các dự án trong tương lai.
Xem thêm:
- Chiến lược Marketing là gì? Xây dựng chiến lược Marketing cho sản phẩm hiệu quả
- 7 bước lập kế hoạch Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp 2023
- Mẫu lập kế hoạch truyền thông cho sự kiện, thương hiệu hiệu quả
Chu trình PDCA trong hệ thống quản lý chất lượng
Ứng dụng phổ biến nhất của chu trình PDCA đó là tích hợp vào hệ thống QMS theo tiêu chuẩn ISO 9001. Quy trình này sẽ gắn liền với các điều khoản 4 – 10 của tiêu chuẩn ISO 9001.
Plan – Xây dựng kế hoạch
Doanh nghiệp phải đảm bảo việc lên kế hoạch được thực hiện theo chu kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Việc này đảm bảo cho kế hoạch luôn được cập nhập, phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp ở thời điểm thực hiện. Trong chứng nhận ISO 9001, việc thiết lập kế hoạch QMS được thực hiện trên 4 điều khoản sau:
Điều khoản 4: Bối cảnh của tổ chức | Xác định các vấn đề bên ngoài và nội bộ của tổ chức đang diễn ra như thế nào.Theo dõi, xem xét nhu cầu và hiểu rõ mong đợi của các bên quan tâm.Từ đó, xác định phạm vi của hệ thống QMS cùng các quá trình QMS cần thiết. |
Điều khoản 5: Sự lãnh đạo | Lãnh đạo cam kết về việc áp dụng, vận hành QMS theo ISO 9001.Xây dựng, thực hiện, duy trì chính sách chất lượng ISO 9001.Xác định quyền hạn, trách nhiệm của các bộ phận liên quan tới QMS. |
Điều khoản 6: Hoạch định | Xem xét và thiết lập những hành động giải quyết rủi ro/cơ hội.Thiết lập các mục tiêu chất lượng, hoạch định hành động để đạt được mục tiêu đặt ra.Hoạch định sự thay đổi nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống. |
Điều khoản 7: Hỗ trợ | Xác định các nguồn lực cần thiết cho việc duy trì và cải tiến hệ thống QMS .Xác định hoạt động trao đổi thông tin.Tạo lập thông tin dưới dạng văn bản. |
Do – Triển khai kế hoạch
Đây là bước đưa kế hoạch vào thực tế thông qua việc áp dụng những quy trình được thiết lập trước đó. Việc thực hiện kế hoạch có liên quan tới một phần thuộc điều khoản 7 và phần lớn là ở điều khoản 8. Cụ thể:
Điều khoản 7.2: Năng lực.
Điều khoản 8: Thực hiện
- Hoạch định, thực hiện và kiểm soát việc thực hiện.
- Yêu cầu về sản phẩm/dịch vụ.
- Thiết kế và phát triển sản phẩm/dịch vụ.
- Kiểm soát các quá trình, sản phẩm/dịch vụ do bên ngoài cung cấp.
- Sản xuất, cung cấp sản phẩm/dịch vụ.
- Thông qua sản phẩm/dịch vụ.
Xem thêm: Chu trình hoạt động? Khung Kaizen trong 5S ? Ví dụ cụ thể
Check – Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện
Sau khi đã có dữ liệu thu thập được từ khâu triển khai, thực hiện kế hoạch thì doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá, kiểm tra hoạt động của hệ thống QMS. Hoạt động này được tiêu chuẩn ISO 9001 trình bày ở điều khoản 9 – Đánh giá kết quả hoạt động với nội dung như sau:
- Thực hiện theo dõi, đo lường, phân tích, đánh giá sự thỏa mãn của khách hàng và các dữ liệu thu thập được.
- Tổ chức các cuộc đánh giá nội bộ.
- Xem xét của lãnh đạo.
Act – Hành động để cải tiến
Sau khi kết thúc việc đánh giá, các doanh nghiệp phải xem xét và tiến hành cải tiến. Quá trình này bao gồm khắc phục, xử lý vấn đề phát sinh, thay đổi hoặc đổi mới. Việc cải tiến trong tiêu chuẩn ISO 9001 được mô tả qua các điều khoản sau:
- Sự không phù hợp và hành động khắc phục.
- Cải tiến liên tục.
Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này giúp bạn nắm được khái niệm PDCA là gì cũng như các bước triển khai cụ thể khi áp dụng quy trình PDCA trong hệ thống quản lý chất lượng. Đừng quên ghé qua TopOnSeek để cập nhật thêm nhiều bài viết mới về lĩnh vực Marketing.
Bài viết mới nhất
TOS hợp tác & phát triển cùng các đối tác uy tín hàng đầu trong ngành